Kinh nghiệm hoàn thiện hồ sơ xin Visa Schengen 2019

Chúc mừng bạn đã bắt tay vào lên kế hoạch Road trip châu Âu trong thời gian tới và chào mừng bạn đến với thủ tục đau đầu và gây mất thời gian nhất: Xin Visa Schengen

Cả nhà mình vừa mới xin visa đi châu Âu thành công, coi như là bước khởi đầu tốt đẹp cho chuyến road trip châu Âu vào tháng 6 tới. Giờ nhìn lại thấy trước chuyến đi đúng thật là khâu hoàn thiện visa là khoản dễ gây nản nhất, đặc biệt là xin visa du lịch tự túc (nhà mình chọn đi road trip chứ không đi theo tour để có cảm giác tự do hơn). Nhất là hồi đầu mới tìm hiểu thì đúng là bị ngợp trước một núi thông tin, và bị gây hoang mang bởi một số trường hợp hồ sơ đẹp mà vấn trượt visa Schengen.

Sau khi xin visa thành công , mình xin phép chia sẻ lại kinh nghiệm của riêng mình, mong là sẽ hữu ích đối với các bạn, cũng là lời cám ơn đến các bạn trong các group du lịch đã nhiệt tình tư vấn cho mình. Nếu các bạn thấy hữu ích, hãy chia sẻ đến các bạn khác nhé!

Yêu cầu tiên quyết:

  • Thông tin trung thực, mục đích rõ ràng, không có yếu tố thiếu minh bạch trong hồ sơ
  • Đảm bảo được điều kiện tài chính để có thể sinh sống và chi trả trong suốt quãng thời gian lưu trú tại khối Schengen.
  • Chứng minh được khả năng không gây tổn hại đến đất nước của họ và đảm bảo 100% quay trở về nước sau khi kết thúc thời hạn.

Hoàn thiện hồ sơ xin Visa Schengen

Các loại giấy tờ cần chuẩn bị trong hồ sơ và yêu cầu cụ thể

1. Giấy tờ thông tin cá nhân

  • Đơn xin visa du lịch Pháp: Bạn Download từ trang chủ của LSQ Pháp tại Việt Nam và điền bằng tiếng Anh, có chữ ký ở trang 3 và trang 4.
  • Sổ hộ khẩu: Dịch thuật và công chứng tiếng Anh
  • Ảnh thẻ (3.5×4.5): Nền trắng
  • Hộ chiếu (bản gốc và bản photo)

Với bản gốc: Còn thời hạn ít nhất 3 tháng sau khi hết hạn Visa

Với bản sao: Photo toàn bộ các trang có thông tin (không cần công chứng)

(Nhắc lại là không cần công chứng nhé các bạn, vì mình đã nộp cả quyển hộ chiếu gốc rồi thì cần công chứng làm gì,  mình cứ nghĩ làm cho chắc mà giờ ngồi tiếc tiền đây)

2. Giấy tờ chứng minh tài chính

Chú ý: Đối với các giấy tờ chứng minh tài chính khi xin visa Schengen, Yêu cầu sẽ là Bản gốc song ngữ và càng có nhiều sẽ càng có lợi vì bạn thể hiện được khả năng tài chính vững vàng.

  • Xác nhận sổ tiết kiệm (Nếu theo gia đình thì chỉ cần sổ tiết kiệm của chồng): Cần có một sổ tiết kiệm tầm 150-200 triệu và được gửi từ ba tháng trở lên.
  • Bản sao kê tài khoản ngân hàng trong vòng 3 tháng gần nhất (cần xác nhận của ngân hàng hoặc bạn có thể in các mail báo nợ hàng tháng)
  • Xác nhận số dư tài khoản ngân hàng cá nhân
  • Xác nhận hạn mức thẻ tín dụng

Chú ý: Nếu sở hữu bất động sản, ô tô hoặc các tài sản giá trị khác thì nộp các giấy tờ chứng minh: Yêu cầu: Bản dịch công chứng.

3. Giấy tờ chứng minh công việc

  • Bảng lương ba tháng gần nhất: Bản gốc song ngữ
  • Quyết định bổ nhiệm: Bản dịch công chứng
  • Giấy xin nghỉ phép song ngữ trong thời gian đi du lịch: (Bản gốc song ngữ) Để xin được visa Schengen nếu bạn là người đi làm, bắt buộc phải có đơn xin nghỉ phép được chấp nhận của công ty đang làm việc.

*Nếu bạn làm tự do thì khả năng xin được visa của bạn sẽ giảm xuống vì Chứng minh công việc cũng là một cách chứng minh sự ràng buộc và khả năng quay trở lại nước của bạn.

*Nếu bạn là sinh viên thì bạn cần có xác nhận của trường đang theo học

*Nếu bạn là chủ doanh nghiệp thì cần nộp thêm:

  • Hồ sơ đăng kí kinh doanh của công ty
  • Các tờ kê khai thuế của công ty

(Lưu ý một chút từ kinh nghiệm đi xin dịch công chứng các tờ khai thuế của mình là bạn cần bản có dấu giáp lai và chữ ký tươi, không phải bản photo vì như thế họ sẽ không dịch và công chứng cho bạn. Mình chuẩn bị đầy đủ hồ sơ rồi mang đến VP công chứng mà vẫn phải nhờ họ dịch trước rồi hôm sau mang cho họ bản đúng tiêu chuẩn thì họ mới công chứng cho)

4. Giấy tờ khác liên quan đến chuyến đi

  • Chứng nhận bảo hiểm du lịch: Mua trước và in bản điện tử từ Email Tại Việt Nam cũng có nhiều công ty Bảo hiểm cung cấp loại bảo hiểm du lịch, theo mình thấy bạn cứ chọn công ty nào mà mọi người hay chọn ấy, đỡ phải nghĩ. Thông thường thì phí bảo hiểm cho một chuyến du lịch châu Âu trong 1 tháng rơi vào khoảng 500.000 VNĐ, có thể sẽ được hoàn lại 1 phần nếu bạn trượt visa (Bạn cần hỏi kĩ nhân viên tư vấn Bảo hiểm)
  • Bản in vé máy bay điện tử: Để đảm bảo độ tin cậy, mình đặt vé máy bay khứ hồi Hà Nội – Paris, đặt ở chế độ thanh toán sau (của hãng hàng không Vietnam Airlines)
  • Xác nhận đặt phòng:

Mình hay chọn book trả sau qua Booking.com, Agoda và ít khi trong giấy tờ chứng minh mình chọn các dịch vụ share phòng như Airbnb hay Couchsurfing.

Lí do là bởi 2 website trên là 2 website uy tín và bản xác nhận đặt phòng của họ đầy đủ thông tin, rất chuyên nghiệp và có độ tin tưởng cao, xử lí thông tin nhanh. Lí do khác là theo mình biết, Airbnb chỉ khi được chủ nhà chấp nhận mới tạm coi là có giá trị booking của Airbnb. Một số sứ quán không chấp nhận book qua Airbnb giống như Uber, Grab không phải nước nào cũng cho phép về pháp lý.

Lưu ý: Cần đọc kỹ các điều khoản của từng khách sạn đặc biệt là thời gian được phép đặt và hủy phòng không mất phí. Mình từng nghe có trường hợp có bạn mất đến 90 EUR vì khách sạn bạn ấy đặt có điều khoản phạt 100% tiền phòng khi tôi không sử dụng dịch vụ, áp dụng ngay tại thời điểm đặt phòng, bởi vì bạn đã điền thông tin thẻ tín dụng của mình vào rồi thì họ có thể trừ tiền bất cứ lúc nào đấy, kể cả khi bạn không điền 3 chữ số bảo mật.

  • Lịch trình tổng quát và lịch trình chi tiết:

Lịch trình xin visa không nhất thiết phải giống lịch trình trên thực tế của bạn 100%, miễn đảm bảo sự hợp lý là được.

Tuy nhiên, trong hồ sơ thì giấy tờ này càng chi tiết sẽ càng có lợi cho bạn và tất nhiên nó phải khớp và logic với các thông tin trong chuyến đi của bạn như ngày giờ bay, ngày giờ check-in, check-out khách sạn. Nếu có thông tin về phương tiện di chuyển nữa thì càng tốt.

Dưới đây là một ví dụ về một bản lịch trình chi tiết để xin visa du lịch Mỹ (một dạng visa theo mình đánh giá là khá hên xui và khó xin). Case là một nhóm bạn ba người Việt Nam xin visa du lịch Mỹ thành công, bạn hoàn toàn có thể dùng để tham khảo.

Link chi tiết ở đây >> Tham khảo lịch trình xin visa du lịch Mỹ

  • Thư trình bày – mục đích: nói rõ nguyện vọng của bạn, thể hiện tình cảm và sự tìm hiểu với đất nước bạn sắp đặt chân đến, viết bằng Tiếng Anh.

Đối với các bạn du lịch theo cả gia đình thì cần thêm:

  • Giấy chứng nhận kết hôn
  • Giấy khai sinh của con

Kinh nghiệm thực tế rút ra

Thật ra mà nói mình cũng đi tham khảo Đông Tây Nam Bắc rồi đủ các diễn đàn và thực tế đi xin thành công rồi mới dám ngồi đây viết chia sẻ với các bạn. Nếu bạn làm đủ các yêu cầu nêu trên và đọc kỹ những lưu ý thì khả năng pass Visa cao hơn rất nhiều rồi, vì một phần nữa còn phụ thuộc vào buổi phỏng vấn Visa, mình sẽ chia sẻ sau. Dưới đây là một số thắc mắc mình hay nhận được và mình sẽ giải đáp theo hiểu biết của bản thân nhé:

Hồ sơ xin Visa phải thật minh bạch

Trong thời điểm mà người người nhà nhà ra nước ngoài (đặc biệt là châu Âu và Mỹ) thì việc họ ngày càng siết chặt quy trình (mà các bạn hay nói là gây khó dễ) là điều dễ hiểu. Có nhiều trường hợp các bạn thiếu giấy tờ, hạn chế hồ sơ, khi nhân viên LSQ xác minh nếu phát hiện thấy gian dối tất nhiên họ sẽ thẳng tay loại.

Các vấn đề về chế hồ sơ có thể như việc khai gian nghề nghiệp, làm hợp đồng lao động giả hoặc giấy nghỉ phép giả, chỉ cần LSQ họ thấy nghi vấn và điều tra lại (dù hãn hữu) thì cũng rất nguy hiểm.

Điều kiện tài chính

Mình nghĩ nếu các bạn có ý định đi châu Âu đều đã có kế hoạch tài chính rõ ràng, tuy vậy nhấn mạnh lại một chút là việc các bạn trình bày trong hồ sơ không tốt hoặc không rõ ràng có thể sẽ cản trở bạn việc pass visa.

Về việc tìm hiểu trước các điểm đến có quan trọng không?

Việc này nếu bạn làm được thì càng có lợi cho bạn. Đặc biệt trong trường hợp khi phỏng vấn VISA mà LSQ hỏi đến thì nó sẽ chứng tỏ bạn thật sự du lịch đến đấy với mục đích chính đáng.

Về vấn đề xác nhận đặc phòng khách sạn qua Airbnb hay Booking.com; Agoda;…??

Có đến hơn mười trang mạng (được chấp nhận pháp lý) họ cạnh tranh kinh doanh booking qua mạng, giá cả điều kiện chắc không kém Airbnb. Nhiều nhà airbnb họ tiếp thị khác qua nhiều phương cách chứ không chỉ qua Airbnb.

Do vậy mình chọn có một vài chỗ ở sẽ không thiếu gì cách lựa chọn không cần thiết trong hồ sơ cứ phải ghi Airbnb rồi phải hỏi loạn lên và chịu rủi ro ngay từ khâu xét hồ sơ. Những nhà Airbnb lành mạnh thì thường có website riêng hoặc họ rất nhanh chóng cấp giấy kinh doanh khi mình yêu cầu. Tuy nhiên, cũng có nhà Airbnb thực ra là kinh doanh trốn thuế hoặc chưa được phép giá hay rẻ rẻ một chút, đừng nên book loại này (đi du lịch đừng ham rẻ mà an toàn là trên hết).

Nhà airbnb nào tử tế thì sau khi chat, mail với chủ nhà mình hãy yêu cầu họ gửi cho giấy kinh doanh, hay cam kết gì đó, thư trình bày cũng được để sứ quán họ làm tin, có vậy thì Airbnb cũng OK.

Chi phí dịch công chứng hết bao nhiêu?

Theo mình thấy thì phí dịch công chứng từ 70.000 – 80.000/tờ là hợp lý, nếu hơn nữa thì bạn nên cân nhắc các bên khác vì tưởng hơn 10-20.000/ tờ mà lúc tính nhân lên ngốn hơi bị nhiều tiền đấy nhé.

Chi phí dịch công chứng photo các loại của mình (2 nhóm, mỗi nhóm là một gia đình 3 người, có công ty riêng) là tầm 1,8 triệu. Chưa kể mấy chi phí thời gian ngồi lên lịch trình rồi book khách sạn, xin xác nhận của ngân hàng, của công ty… nói chung là nó ngốn của bạn không ít đâu, nếu ít thời gian bạn có thể qua các bên dịch vụ làm cũng được nhưng cũng cần đặt cược một chút và phải chọn bên nào họ làm uy tín chỉn chu từ đầu đến cuối thì mới yên tâm được. Mình từng chứng kiến một nhóm bạn 8 người mà 7 người xin được visa, 1 người còn lại do bên dịch vụ tư vấn sai về địa chỉ nộp mà bị trả lại visa, rất đáng tiếc.

Happyroad.vn chúc các bạn xin visa đi châu Âu thành công và có một chuyến roadtrip thật vui vẻ và ý nghĩa bên canh người thân và gia đình. Đừng quên theo dõi và ủng hộ bọn mình trên website và fanpage để cập nhật thêm những thông tin mới nhất về road trip và du lịch nhé!

Bài viết thuộc bản quyền của Happyroad.vn, bên khác vui lòng không copy khi chưa có sự đồng ý.


Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*