Kinh nghiệm siêu chi tiết Trekking Annapura Base Camp Nepal (ABC) – Cách hạn chế sốc độ cao (AMS) khi leo núi

Bài viết liên quan:

Có lẽ một trong những trở ngại lớn nhất của việc quyết định có thực hiện cung đường trekking leo núi Annapura Base Camp của rất nhiều người có lẽ là sợ say độ cao, sợ không đủ sức để leo, sợ lạnh? Và về cơ bản say độ cao và phải đi về bằng trực thăng là tương đối phổ biến khi đi trekking Annpura, có khi bạn sẽ thấy trực thăng cứu hộ bay đến 6,7 lần một ngày. Qua bài viết này mình muốn tổng hợp lại tất tần tật các kinh nghiệm của bản thân, kinh nghiệm của những anh chị đi trước, kinh nghiệm tìm được trên internet, kinh nghiệm của những người bạn đồng hành trong chuyến đi để tổng hợp thành bài viết Làm thế nào để hạn chế xuống mức thấp nhất hiện tượng AMS/ Sốc độ cao khi trekking Annapura Base Camp ở Nepal.

Trước tiên hãy cùng tìm hiểu khái niệm, sốc độ cao là gì? 

Khái niệm thì các bạn chỉ cần google là sẽ ra rất nhiều kết quả tuy nhiên mình chỉ xin tóm tắt lại như bên dưới. 

Sốc độ cao hay AMS (Acute Mountain Sickness hay Altitude Mountain Sickness) có Triệu chứng thường gặp là: không muốn ăn, buồn nôn, mệt mỏi, chóng mặt, mất ngủ, khó thở khi gắng sức, chảy máu mũi, mạch đập nhanh, buồn ngủ, cơ thể khó chịu, bị phù (sưng bàn tay, bàn chân, và khuôn mặt), tiêu chảy.

Làm thế nào để hạn chế/phòng tránh sốc độ cao khi trekking Annapura Base Camp?

Chính vì độ cao và sốc độ cao nên người ta thường thiết kế ra các cung đường trekking dài ngày 7 ngày cho Annapura Base Camp (4100m), 13 ngày cho Annapura Circuit Trek (5300m), 45 ngày cho chinh phục đỉnh núi Annpura (8091m) hay 40 ngày cho Everest (8890m). Mục đích của các chu kỳ này là đi và leo lên từ từ để những người leo núi kịp thích nghi dần với độ cao, cơ thể thích nghi với điều kiện không khí loãng từ đó có những điều chỉnh phù hợp. Chứ nếu không có chứng sốc độ cao này thì quá trình leo núi người ta chỉ cần cột dây và leo thẳng lên núi thì chắc chỉ 1-3 ngày là chinh phục Everest rồi, và có khi người khẻo cũng chỉ mất một ngày để đi đến đích của Annapura Base Camp. Ngoài việc luyện tập chạy bộ, trekking trong nước, hay leo cầu thang, tập thể dục thể thao để cơ thể làm quen với điều kiện thiếu không khí khi hoạt động mạnh thì các bạn nên nhớ và nắm vững nguyên tắc sau trong quá trình trekking để hạn chế đến mức thấp nhất khả năng bị sốc độ cao nhé.

Bản chất của sốc độ cao: Là tình trạng thiếu ô xi lên não. Nguyên nhân đến từ việc không khí trên cao quá loãng khiến nồng độ ô xi giảm đi, làm cho việc hô hấp khó khăn hơn. Mạch khi leo trên độ cao 2900 trở lên sẽ phải hoạt động và đập nhanh hơn bình thường để cung cấp máu và ô xi nhiều hơn lên cho đầu não vận hành. Nếu thiếu ô xi thì lượng máu đưa lên nào sẽ bị giảm xuống sẽ dẫn đến đau đầu chóng mặt. Do đó để phòng tránh thì các bạn phải thực hiên các nguyên tắc bù đắp bằng 2 cách bổ sung nước và nạp thêm calo một cách đều đặn khi leo núi. Ngoài ra cũng nên sử dụng thuốc chống sốc độ cao từ đêm ngày thứ 2 ở độ cao 2100m vị trí Chhomorong là đẹp.  Cụ thể các bạn làm theo 4 bước như bên dưới nhé:

  • 1, Phải bổ sung thật nhiều nước cho cơ thể trong khi leo núi. Tối thiểu 2 lít nước trong 10 tiếng đồng hồ. Nước các bạn có thể pha thêm gói điện giải của Nhật như ảnh bên dưới sẽ giúp giữ nước cho cơ thể tốt hơn. Tuy nhiên các bạn phải tính toán và uống nước đều đặn và hợp lý trên đường đi để cơ thể có thể hấp thụ được dần dần và từ từ. Nếu uống nửa lít một lúc chắc chắn cơ thể sẽ không hấp thụ được và đào thải ra ngoài theo đường tiểu. Để thực hiện trong ít nhất 4 ngày leo đầu tiên các bạn nên duy trì kỷ luật uống nước theo cách nhóm mình đã thưc hiện như  sau. Ví dụ mục tiêu là uống 2 lít nước một ngày trong 10 tiếng, thì có nghĩa là cứ 5 tiếng bạn phải uống hết 1 lít nước. Và 1 tiếng phải uống hết 200ml. Tương ứng chia nhỏ ra là 30 phút uống 100ml nước là ok nhất. Cứ đi tính thời gian và nạp nước vào người sau mỗi 30 phút. Đến trưa dừng ăn cơm hoàn thành hết 1 lít nước là ok. Sau đó 1 lít còn lại các bạn có thể uống hết cho đến khi trước khi đi ngủ là đẹp. Như thế sẽ đảm bảo cơ thể không bị thiếu hụt nước, hấp thụ tốt hơn và máu lưu thông chắc chắn sẽ tốt hơn, hạn chế được hiện tượng sốc độ cao
  • 2. Ngoài nước ra, máu cũng cần phải có năng lượng thì mới có đủ để cung cấp đi nuôi cơ thể. Quá trình leo núi trên độ cao trên 2000m khiến cơ thể bạn đốt rất nhiều calo. Các bạn nên nạp thật nhiều calo càng tốt. Calo có thể nạp được tốt nhất và gọn nhẹ nhất là từ các thanh Chocolate black 100%. Những thanh chocolate này tuy nhỏ nhưng đầy năng lượng. Mình có mua 6 thanh Chocolate loại nhỏ ở siêu thị, mỗi thanh cung cấp 700 calo. Một ngày bạn ăn 2 thanh này là yên tâm đảm bảo đủ năng lượng trên đường đi. Nguyên tắc nạp Calo cũng làm giống như khi uống nước. Nghĩa là nạp từ từ, theo từng lần nhỏ một là đẹp nhất.
  • 3. Uống thuốc chống sốc độ cao để hỗ trợ tốt hơn cho việc lưu thông máu. Nhóm mình mua thuốc Diamox 250mg. Bắt đầu uống từ sáng ngày thứ 3 ở điểm nghỉ Chhomorong cao 2100m sau bữa ăn sáng. Và cứ sau 12 tiếng lại uống một viên. Một ngày uống đều đặn 2 viên cho đến khi lên đến ABC. 
  • 4. Phải có một chiến thuật và nhịp độ leo lên một cách hợp lý. Cho dù bạn có luyện tập đến đầu đi chăng nữa thì khi leo ABC sẽ có những con dốc khiến bạn phải nản lòng và thở dốc. Gặp những con dốc như vậy bạn hãy áp dụng nguyên tắc là đi chậm và bước ngắn từng bước một, nếu mệt quá, tim đập nhanh thì dừng lại nghỉ 15s hít thở đều rồi lại tiếp tục bước tiếp. Cứ mệt quá thì đứng nghỉ bên đường, uống nước, ăn kẹo cho đến khi nhịp thở bình thường thì lại bước tiếp. Cứ như vậy cơ thể sẽ dần điều hoà và không bị quá tốn sức. Kết hợp với việc uống nước và nạp calo từ socola bạn sẽ hạn chế được rủi ro bị sốc độ cao là rất lớn. 
Thuốc điện giải 1 gói pha được 500ml. Mua 3 hộp này là ok. Mua ở nhà thuốc Việt Nam bán rất nhiều
Bình nước 1 lít có vạch chia thể tích giúp bạn pha nước điện giải một cách chính xác và hiệu quả hơn. Cái này mua ở Kathmandu nhé. Giá tầm 450-500 Npr (Khoảngt 100k VNĐ thôi)

Nhờ áp dụng rất triệt để nhưng nguyên tắc nạp nước, nạp calo, nguyên tắc đi và thở, kết hợp uống thuốc nên cả đoàn không ai bị sốc độ cao nặng phải đi trực thăng về cả. Đặc biệt cậu em trong đoàn còn chưa lần nào đi trekking cả, cứ đều đều vừa leo vừa chống gậy từng bậc thang một rất chậm rãi chậm hơn cả những bạn nữ luôn. Nhưng chính vì thế mà cơ thể cậu ấy điều hoà được và không bị mất sức. Vẫn đến được đích như thường lệ và chỉ chậm hơn thời gian mọi người tầm 15 phút do đi cậu ấy đi chậm và không nghỉ. Tuy nhiên dù có áp dụng lên trời thì chắc hẳn một số người vẫn sẽ găpj một số hiện tượng khó chịu của sốc độ cao nhẹ khi leo cung ABC có thể kể đến như sau:

  • Đầu óc tỉnh táo, căng ra không thể ngủ nôi, hoặc ngủ không sâu. Mình ngủ không sâu và rất dễ tỉnh khi bắt đầu ở độ cao 2900m ở điểm nghỉ Himalaya. Và gần như không ngủ được tí nào ở lán trại ABC (4100m), chỉ nhắm mắt từ 9h tối đến tận 6h sáng hôm trước. Nhiều anh em trong đoàn cũng bị như mình, tuy nhiên chỉ hơi mệt chút thôi chứ không ảnh hưởng quá nhiều. Một trong những nguyên nhân không ngủ được có lẽ là do không khí quá loãng và lạnh, dẫn đến khó hít thở, thiếu ô xi lên nào khiến tim phải hoạt động liên tục không được ngơi nghỉ và dẫn đến khó ngủ. Lượng ô xi ở độ cao 4100m theo thang đo chỉ còn 57% so với mặt đất bình thường chúng ta hay hít thở thôi. 

Trên đây là những chia sẻ của bản thân mình để nhằm hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ có thể bị sốc độ cao trong khi trekking cung ABC mà các bạn có thể tham khảo và áp dụng theo cho cung này và cả những chuyến leo núi Nepal sau này. 

Bài viết được thực hiện bởi NamRiver – Co Founder of Happyroad.vn từ những kinh nghiệm thực tế của bản thân. Các bạn nếu thấy hữu ích thì hãy like và chia sẻ nhé. Rất cảm ơn các bạn rất nhiều.

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*